DẤU ẤN THỪA SAI PARIS Ở HỌ ĐẠO CHỢ QUÁN (Kỳ 1)
DẤU ẤN THỪA SAI PARIS Ở HỌ ĐẠO CHỢ QUÁN
Hoàn tất 20/4/2020
Giáo hội Việt Nam vừa khai mạc Năm Thánh kỉ niệm 30 năm Tuyên Thánh Tử đạo Việt Nam (1988 – 2018), đây là một cơ hội rất tốt để mỗi người Công giáo Việt Nam nhìn lại quá khứ nhằm cảm tạ Thiên Chúa và tri ân tiền nhân. Họ đạo Chợ Quán cũng nằm trong mạch phát triển của Giáo hội Việt Nam, lại là họ đạo đầu tiên nơi đất Saigon này, vinh dự có những người con dám đổ máu đào làm chứng cho Chúa: Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, Đấng Đáng kính Antôn Thiện, ông biện Phượng, Du… Thời điểm các vị tử đạo cũng là thời gian các vị thừa sai Paris can đảm rời bỏ quê hương đến với Họ đạo. Chúng ta bắt đầu với vị linh mục thừa sai Paris đầu tiên…
1. Cha Jean Barou (Ba)
Cậu Jean-Joseph Barou sinh tại Chalmazel (Loire, Pháp) ngày 24/03/1835.
Cậu được cha mẹ cho theo học Tiểu chủng viện Verrières, rồi chuyển sang chủng viện Triết học ở Alix, đại chủng viện giáo phận Lyon và cuối cùng chủng viện Hội Thừa sai Paris.
Chịu chức cắt tóc năm 1856, hai năm sau, thầy Barou chịu chức linh mục ngày 18/12/1858. Rồi cha được sai đến với hạt đại diện tông tòa Tây Đàng Trong (tiền thân của Giáo phận Sài Gòn) và lên tàu ngày 20/02/1859. Ở Việt Nam, cha gọi mình là Ba.
Trong lúc các cuộc trả thù người có đạo nổ ra cuối năm 1862 vì Pháp đã chiếm được Saigon, cha đến coi sóc Họ đạo Thủ Ngữ (Mỹ Tho). Ở đây cha bị tấn công bất ngờ nhiều lần nên trốn thoát đến Sàigòn, sau đó được chuyển về huyện Tân Triều (Biên Hòa). Năm 1863, cha về làm Chánh sở Chợ Quán, kế thừa cha Tôma Nguyễn Biểu Đoan. Ở Họ đạo, cha cùng bổn đạo đem gạch từ những vòng thành bị hư sập do Pháp tấn công để xây tháp chuông. Người xưa cũng ghi nhận tháp chuông vuông ngang 3 thước, cao 20 thước “thật là nhất ở Saigon lúc bấy giờ”. Do bệnh nặng, cha rời Họ đạo và trở về Pháp năm 1866, qua đời ngày 10/07/1869, hưởng dương 34 tuổi.
Nhận xét
Đăng nhận xét